TRẺ HAY ỐM VẬT KHÔNG CHỈ DO SỨC ĐỀ KHÁNG KÉM.

Con bạn hay bị ốm vặt, bé chậm lớn và chỉ vài ngày phải tới bệnh viện một lần. Đây là một vấn đề khiến cho nhiều bố mẹ phải trăn trở. Tại sao con hay ốm? Làm sao để con khỏe hơn? Bố mẹ hãy cho bé cơ hội được “tập tành” miễn dịch, không nên bao bọc bé quá kỹ cũng như vội vàng đưa tới bé tới bệnh viện mỗi khi bé sụt sịt nhé.

Bé hay ốm vặt là do đâu?

Bé hay ốm vì miễn dịch của bé chưa hoàn thiện. Sau khi sinh, bé nhận được một lượng kháng thể miễn dịch từ mẹ qua sữa, gọi là “hệ miễn dịch thụ động”. Trong quá trình lớn lên (từ khi trẻ biết ăn dặm) hệ miễn dịch của trẻ mới được hoàn thiện dần. Do trẻ rất nhạy cảm với điều kiện bên ngoài và sức chịu đựng kém nên trẻ hay bị ốm vặt.

Bên cạnh đó, hệ tiêu hóa của trẻ chưa tốt, hệ vi khuẩn đường ruột chưa hoàn thiện, các men tiêu hoá chưa đủ cũng là một trở ngại lớn cho việc tiêu hóa thức ăn. Ngoài ra, một số ít trường hợp có thể trẻ bị suy giảm miễn dịch, không có khả năng chống chọi với tác động của vi sinh vật gây bệnh.


Trẻ hay ốm vặt do quá lạm dụng kháng sinh

Khi chữa bệnh, không chỉ có người lớn mà trẻ em cũng là đối tượng mà các bác sĩ mạnh tay kê đơn thuốc với thành phần chủ yếu là kháng sinh. Không thể phủ nhận được vai trò của kháng sinh trong việc chữa trị các bệnh nhiễm khuẩn, nhưng mặt trái của nó chính là tiêu diệt luôn hệ vi khuẩn có ích trong ruột, dẫn đến loạn khuẩn ruột.

Trong khi đó, 70% các tế bào miễn dịch được sinh ra tại các hạch bạch huyết trong thành ruột. Mất đi hệ vi khuẩn có ích, khả năng kích thích miễn dịch của cơ thể giảm đi rõ rệt. Khi đó các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn … dễ dàng tấn công và gây ra nhiều căn bệnh khác nhau.

Tuy nhiên, trẻ vẫn có thể dùng được kháng sinh một cách an toàn nếu bố mẹ không quá lạm dụng cũng như kịp thời bổ sung các loại vi khuẩn có ích từ men vi sinh. Ngay cả khi bé ốm, bố mẹ cũng cần dỗ cho trẻ ăn đầy đủ, để trẻ có sức chống chọi với bệnh tật cũng như đảm bảo dinh dưỡng để giữ gìn hệ miễn dịch.

Khẩu phần ăn thiếu vi chất dinh dưỡng

Việc ăn uống cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, nhiều bà mẹ chuẩn bị bữa ăn cho con chủ yếu theo cảm quan mà chưa chú ý tới sự cân bằng về dinh dưỡng. Vì thế mà nhiều bé mắc các bệnh do thiếu vi chất dinh dưỡng, ảnh hưởng tới trí tuệ, học hành và chậm phát triển thể chất… Các bệnh lý do thiếu vi chất ở trẻ em có thể chia thành hai nhóm chính là nhóm thiếu khoáng chất và nhóm thiếu vitamin.

Do tiêu hóa kém

Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ mà là một cơ thể đang dần dần hoàn thiện và phát triển. Điều này thể hiện ở chức năng hệ tiêu hóa của trẻ: khả năng tiêu hóa, hấp thụ thức ăn của trẻ còn kém, hệ khuẩn chí đường ruột dễ bị mất cân bằng, thiếu hụt nhiều men tiêu hóa. Do đó, trẻ dễ mắc phải các bệnh lý đường ruột, chẳng hạn như rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, táo bón…

  Vệ sinh kém

Vệ sinh kém là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng trẻ hay ốm vặt. Bởi phần lớn trẻ chưa nhận thức được thế nào là sạch sẽ, thường xuyên đưa tay lên miệng và chưa có ý thức phải vệ sinh cá nhân. Việc này tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể trẻ và gây bệnh. Do đó, bố mẹ cần thường xuyên vệ sinh cá nhân cho bé, đồng thời dạy bé thói quen này từ sớm để hạn chế tình trạng trẻ hay ốm vặt.

 Do được bao bọc quá mức

Bố mẹ luôn muốn dành những điều tốt nhất cho con cái, chính vì thế mà luôn muốn con của mình được an toàn, được bao bọc toàn diện nhất. Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng việc bao bọc quá mức lại là yếu tố gây nên tình trạng trẻ hay ốm vặt. Con không có cơ hội được tiếp xúc với thế giới bên ngoài, không được vui chơi, tắm nắng, vận động, hít thở không khí trong lành… nên ngày càng mất đi khả năng chống chịu, thích ứng và phòng vệ tự nhiên của cơ thể và thường xuyên ốm vặt.

 Do ít vận động

Vận động là cách cơ thể đào thải độc tố, kích thích miễn dịch và giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính. Tuy nhiên trong thời đại công nghệ hiện nay, công việc của bố mẹ đôi khi quá bận rộn, không có thời gian chơi đùa với con, trẻ con bị thu hút bởi tivi, điện thoại, máy tính bảng… dẫn đến tình trạng trẻ lười vận động. Do đó, sức đề kháng của con kém hơn bình thường, khiến trẻ hay ốm vặt hơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *